Trong thập niên 60, kiến trúc sư Walter Maria Förderer đã thiết kế 8 nhà thờ ở Thụy Sĩ và Đức. Lấy cảm hứng từ Le Corbusier, Kurt Schwitters và kiến trúc Gothic, Förderer là tác giả của nhiều hình khối bê tông ấn tượng mà nay đã trở thành những biểu tượng tôn giáo nổi tiếng của Châu Âu.
Nhà thờ là loại công trình có khắp Châu Âu. Sau khi chiến tranh lấy đi nhiều công trình tôn giáo, Hội đồng Vatican II đã tiến hành một cuộc cải tổ toàn diện giáo hội vào đầu thập niên 80, thay đổi cách thiết kế hình khối và bài trí nhà thờ. Cây thập giá truyền thống được thay thế bởi ban thờ đặt tại trung tâm thánh đường. Thụy Sĩ không chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, nhưng nhà thờ ở nước này lại gần như đi đầu trong làn sóng kiến trúc mới. Từ cuối thập niên 50 đến 70, Thụy Sĩ đã có một vài nhà thờ nổi bật nhất Châu Âu.
Bê tông là vật liệu chủ đạo. Thực chất, phong trào sử dụng tông (béton brut) đã khiến loại vật liệu từng được coi là thô ráp này trở thành thứ không thể thiếu trong xây dựng, thường xuyên được các kiến trúc sư khai thác thêm về cách sử dụng. Trong đó không thể không nhắc đến một trong những kiến trúc sư người Thụy Sĩ có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 – Walter Maria Förderer, một con người đã dành trọn sự nghiệp cho việc đổi mới tư duy của cộng đồng thế giới về hình khối kiến trúc.

Khi đó, Le Corbusier là một nguồn cảm hứng lớn. Ngoài những công trình tiêu biểu, di sản của Corbusier với tổ quốc còn là những thế hệ kiến trúc sư coi tư tưởng của ông là một phần tất yếu trong quá trình phát triển nghề cho họ. Corbusier là người khởi xướng, nhưng những người ngưỡng mộ ông lại muốn vượt qua giới hạn này hơn nữa.
Walter Maria Förderer sinh năm 1928, ông là kiến trúc sư tiên phong ở Thụy Sĩ trong cuối thập niên 40, 50. Ông bắt đầu sự nghiệp là một nhà điêu khắc, sau đó đã dùng kinh nghiệm để tiếp xúc thêm với vật liệu là bê tông. Khi 40 tuổi, ông đã trở thành một niềm cảm hứng cho nhiều kiến trúc sư, khởi xướng một trào lưu thiết kế bê tông có khi được tưởng như sẽ vượt qua cả những thành tựu của Le Corbusier.
Những công trình của Otto Glaus, Ernst Gisel thường mang một đặc điểm căn bản hay hướng đến công năng – điều đến nay vẫn phổ biến trong kiến trúc hiện đại ở Thụy Sĩ. Còn đối với Förderer, công trình của ông mang một nét hình thức rất mạnh, đến cả cách điều phối không gian. Những cầu thang “treo” lơ lửng, các khối hộp với cửa sổ nằm sâu bên trong, đồ trang trí được bày biện theo những cách mới mẻ, bất chấp chuẩn quy của phong cách Hiện đại.
Vào đầu những năm 60, cùng với Rolf G Otto và Hans Zwimpfer, Förderer đã thiết kế trường Brunnmatt-Schulhaus ở Basel, một tổ hợp công trình gồm những tháp bê tông góc cạnh, thể hiện đôi nét kiến trúc Gothic. Khi những công trình sau của Le Corbusier nhấn mạnh vào sự kết hợp những hình khối hữu cơ với kết cấu bê tông trừu tượng, Förderer và các đồng sự tránh những không gian linh hoạt để làm một kết cấu lưới ba chiều, xếp chồng các công năng và phản ánh sự đa tầng bằng những khối bê tông đặt lên nhau.

Förderer cũng là một nhà lý luận, ông thường dùng những nghiên cứu của mình để trình bày ý kiến cho rằng người theo đuổi công năng đơn thuần thường cho ra loại kiến trúc thô cứng, không linh hoạt. Khi những kiến trúc sư cùng thời với ông thường chớp cơ hội để thiết kế những công trình nhất thời bằng vật liệu công nghiệp, giàn giáo, chất công nghiệp mới, thì Förderer là một người trung thành hết mực với bê tông. Sự linh hoạt của ông thể hiện qua kích thước, những công trình đồ sộ có thể đáp ứng nhiều chức năng.
8 nhà thờ Förderer thiết kế ở Thụy Sĩ và Đức trong thập niên 60 đã thể hiện rõ phong cách và tư duy của ông. Như cụm công trình ở trung tâm Hérémence – một thị trấn nhỏ bên sườn núi ở Thụy Sĩ, trong đó bao gồm nhà thờ Thánh Nicholas với các phòng ở và lễ nghi. Tổ hợp này giống một bức tranh nổi thể hiện kiến trúc do Kurt Schwitters sáng tạo, hơn là những đường nét trừu tượng, phẳng do Le Corbusier đặt nền móng.

Tại Hérémence, bục giảng kinh, cây thập tự và ban thờ đều hướng ra từ sàn và tường, những hình khối góc cạnh như được tạc từ một mảng bê tông lớn. Đây là công trình chi tiết có sự tham gia của cả Förderer, Otto và Zwimpfer. Những nhà thờ khác ở Bettlach và Lichtenstein thì do mình kiến trúc sư Förderer đảm nhiệm.
Khi thiết kế Nhà thờ Thánh Nicholas đang đi vào hoàn thiện thì Förderer cũng cùng lúc đảm nhiệm Nhà thờ Thánh giá ở Chur. Nhà thờ Thánh Nicholas có các tầng lớp bê tông đan xen, còn nhà thờ Chur thì nhỏ, thấp hơn nhưng không kém phần ấn tượng.
Kiến trúc duy tâm thường tạo nên những đường nét góc cạnh. Nhà thờ do Förderer thiết kế thể hiện hành trình truyền tải những điều huyền bí của tín ngưỡng thành hình khối thực. Đẹp đẽ và được giữ gìn trong tình trạng tốt, những công trình này luôn được mọi người dành tình cảm và có chỗ đứng ở trung tâm mỗi cộng đồng.
Theo Jonathan Bell